Biến chứng sởi ở trẻ sơ sinh

28/03/2025
|
0 lượt xem
Bệnh Trẻ Em Các Bệnh Nhi - Sơ Sinh Sức Khỏe
Biến chứng sởi ở trẻ sơ sinh

Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, dễ lây lan khi người bệnh thở, ho, hắt hơi. Trẻ sơ sinh là nhóm nguy cơ cao mắc sởi do hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện. Nhận biết sớm dấu hiệu bệnh và điều trị kịp thời giúp hạn chế biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ về sau.

BS.CKI Tô Vũ Thiên Hương, Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết trẻ sơ sinh thường tiến triển rất nhanh, dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, nguy cơ gây suy hô hấp, tử vong. Các biến chứng thần kinh như viêm não, viêm màng não, viêm tủy cấp làm tăng tỷ lệ di chứng về não. Trẻ cũng có thể bị biến chứng đường tiêu hóa bao gồm viêm niêm mạc miệng, viêm ruột, tiêu chảy dẫn đến mất nước và điện giải, suy thận. Một số trường hợp viêm tai giữa, viêm loét giác mạc làm giảm thính lực, mù lòa. Trẻ sơ sinh bị sởi cũng dễ mắc thêm các bệnh khác như lao, bạch hầu, ho gà...

Các biến chứng này có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất, tinh thần của trẻ về sau như chậm nói, vấn đề về tâm thần vận động, học tập, rối loạn hành vi, suy giảm hệ miễn dịch...

Trẻ phát ban sởi toàn thân. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Nếu nghi ngờ trẻ bị sởi hoặc phát hiện trẻ tiếp xúc với người bệnh, cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện để bác sĩ khám và tư vấn chăm sóc, điều trị phù hợp. Giai đoạn ủ bệnh thường kéo dài 7-21 ngày từ khi trẻ sơ sinh nhiễm virus sởi. Hầu hết bé chưa có triệu chứng ở thời điểm này. Giai đoạn khởi phát trong khoảng 2-4 ngày. Trẻ sốt cao 39-40 độ C kèm biểu hiện như sổ mũi, nghẹt mũi, mắt đỏ, ngứa, nhạy cảm với ánh sáng, xuất hiện đốm trắng nhỏ (koplik) trong miệng gây đau rát, loét miệng, khiến trẻ bỏ bú. Một số trẻ có triệu chứng sởi không rõ ràng, thường nhẹ và thoáng qua.

Thời kỳ phát ban, trẻ sốt cao liên tục, các đốm phát ban đỏ lan ra mặt và toàn thân. Khi nốt ban dày đặc, trẻ có thể bị ngứa, khó chịu, quấy khóc, bỏ bú. Một số trường hợp bị tiêu chảy, nôn trớ. Tình trạng này thường kéo dài 2-5 ngày. Giai đoạn hồi phục, vết ban nhạt dần, bong ra và để lại vết thâm. Di chứng ho có thể còn khoảng 1-2 tuần sau khi hết ban.

Bệnh sởi chưa có thuốc đặc trị, các phương pháp điều trị nhằm hỗ trợ trẻ chống lại virus sởi, ngăn ngừa biến chứng. Trẻ có đề kháng kém có thể phải nhập viện để bác sĩ theo dõi và điều trị tích cực. Bác sĩ Hương khuyên phụ huynh không tự ý chữa sởi cho con tại nhà bằng phương pháp dân gian như tắm nước lá, đắp lá... hoặc dùng lại toa thuốc cũ có thể khiến bệnh diễn tiến nguy hiểm. Mẹ nên cho trẻ sơ sinh bú sữa thường xuyên để bù nước. Vệ sinh mắt, mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Dùng nước ấm làm sạch cơ thể trẻ, hạn chế nhiễm trùng da. Mặc đồ mỏng, thoáng khí giúp bé hạ sốt.

Để phòng bệnh sởi cho trẻ sơ sinh, bác sĩ Hương khuyến cáo phụ nữ trước khi mang thai ba tháng nên tiêm phòng vaccine sởi để truyền kháng thể thụ động cho thai nhi. Trẻ 9 tháng tuổi nên tiêm mũi vaccine sởi đầu tiên, 15-18 tháng tuổi tiêm mũi thứ hai. Nếu dịch sởi bùng phát, trẻ có thể được khuyến cáo tiêm vaccine phòng bệnh từ 6 tháng tuổi.

Cha mẹ nên giữ vệ sinh cho trẻ sơ sinh, thường xuyên khử trùng các bề mặt, vật dụng xung quanh để phòng virus sởi. Bú sữa mẹ là cách tối ưu cung cấp dinh dưỡng cần thiết tăng cường hệ thống miễn dịch của trẻ.

Ngọc Châu

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật