Khớp háng biến dạng sau 15 năm hoại tử xương đùi

17/04/2025
|
0 lượt xem
Các Bệnh Cơ Xương Khớp Sức Khỏe Chấn Thương - Chỉnh Hình
Khớp háng biến dạng sau 15 năm hoại tử xương đùi

Nhiều năm qua, ông Nhựt chỉ dùng thuốc đông tây y để giảm đau. Nay, kết quả chụp X-quang tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy ông bị hoại tử chỏm xương đùi tiến triển đến giai đoạn cuối ở cả hai chân, thoái hóa và xuất hiện nhiều gai xương, ổ cối bị khoét rất lớn. ThS.BS.CKI Nguyễn Văn Lưu, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, cho biết người bệnh còn mắc nhiều vấn đề sức khỏe như suy tuyến thượng thận, loãng xương, đái tháo đường, rối loạn đường huyết và chuyển hóa, mỏng da, teo cơ, vết thương khó lành... Đây là hậu quả do người bệnh tự ý dùng thuốc giảm đau chứa corticoid thời gian dài.

"Dáng đi của người bệnh đã thay đổi, nếu tiếp tục trì hoãn mổ sẽ thúc đẩy tổn thương lan rộng, thoái hóa cột sống và các vấn đề sức khỏe khác diễn ra nhanh, nghiêm trọng hơn", bác sĩ Lưu nói, chỉ định thay khớp háng nhân tạo cả hai bên.

Phim chụp X-quang cho thấy khớp háng hai bên của ông Nhựt tổn thương, hoại tử nghiêm trọng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Các bác sĩ hội chẩn đa chuyên khoa, điều trị kiểm soát các bệnh nền và vấn đề sức khỏe. Bác sĩ Lưu đánh giá chất lượng xương của các thành phần khớp háng bị suy giảm nghiêm trọng, nguy cơ cao di lệch khi đặt khớp nhân tạo.

Trước mổ, bác sĩ đo đạc khớp thật của ông Nhựt bằng phần mềm TraumaCad chuyên dụng, giúp tìm ra khớp háng nhân tạo có kích thước phù hợp nhất, đảm bảo độ vững chắc và ôm khít, đồng thời lựa chọn hướng tiếp cận khớp phù hợp.

Người bệnh được chỉ định thay khớp bằng đường mổ phía sau truyền thống, có cải biên, bảo tồn tối đa nhóm cơ xoay phía sau. Bác sĩ thay khớp háng bên phải trước, ba tuần sau đó thay khớp bên trái. Với kỹ thuật này, người bệnh có thể nhanh chóng trở lại sinh hoạt bình thường, hạn chế tối đa nguy cơ trật khớp.

Hai ngày sau phẫu thuật, ông Nhựt xuất viện, không còn đau, có thể tự đi mà không cần dụng cụ hỗ trợ. "Từ lúc phát bệnh, ngày nào tôi cũng phải uống thuốc giảm đau mới đi làm được. Tôi từng nghĩ mình không còn cơ hội đi lại bình thường", ông Nhựt nói. Bác sĩ hướng dẫn ông các tư thế sinh hoạt và tập vật lý trị liệu theo lịch hẹn.

Ông Nhựt tập đi lại cùng bác sĩ Lưu trong ngày xuất viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Hoại tử chỏm xương đùi là tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng, lâu ngày dẫn đến hoại tử xương và sụn. Ở giai đoạn đầu, bệnh có thể được điều trị bảo tồn bằng cách dùng thuốc, vật lý trị liệu... Khi bệnh tiến triển nặng, ảnh hưởng đến khả năng vận động và sinh hoạt hàng ngày, người bệnh cần phẫu thuật thay khớp. Nếu chưa thể phẫu thuật, người bệnh nên tái khám định kỳ, không tự ý dùng thuốc để tránh các biến chứng như tổn thương nội tạng, tàn phế...

Theo bác sĩ Lưu, hiện thay khớp đã trở thành phẫu thuật thường quy. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, thay khớp háng nhân tạo thường được thực hiện bằng các đường mổ như đường mổ phía sau cải biên, SuperPATH, ABMS, DDA... Người bệnh hết đau nhanh, có thể đi lại sau 1-2 ngày, giảm đáng kể thời gian và chi phí điều trị, trở lại sinh hoạt đời thường.

Phi Hồng

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật