Phóng viên, biên tập viên, MC Lê Việt Khoa gọi đây là "thời khắc lịch sử bi tráng". Ngày thường khu vực Tổng khống chế (nơi phát sóng 16 kênh truyền hình) như cấm địa, nhưng trong ngày cuối, tất cả được tạo điều kiện bước vào đây. Họ cùng nhau xem lại những thời khắc huy hoàng của các kênh qua 20 năm tồn tại. Nhiều người rơi nước mắt.
"Những nhà báo vốn mạnh mẽ, đứng trước khó khăn luôn kiên cường nhất là khi tác nghiệp nhưng trong thời khắc này, sự mềm yếu đã lấn át", anh Khoa, một trong những nhân sự đầu tiên của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC chia sẻ.
Không còn câu chào quen thuộc "Hẹn gặp lại", lời chào cuối cùng của các MC là "Xin chào và cảm ơn quý vị khán giả".
"Chúng tôi nhấn một hồi còi dài từ chiếc xe màu, vốn để làm các chương trình truyền hình trực tiếp, như một phút tiễn biệt người bạn của mình", Ngọc Châm, người có thâm niên 11 năm ở VTC chia sẻ.
Cán bộ nhân viên Đài truyền hình kỹ thuật số VTC cùng nhau đốt pháo hoa như một lời tiễn biệt đài dừng phát sóng từ 15/1. Ảnh: Lê Việt Khoa
Truyền hình kỹ thuật số VTC cùng kênh truyền hình Nhân dân, truyền hình VOV, Thông Tấn và Quốc hội sẽ được sáp nhập về Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) theo chủ trương tinh gọn bộ máy của Nghị quyết 18.
Ngọc Châm nhận được thông tin này vào cuối tháng 11, ba ngày sau cuộc họp bàn về loạt chương trình đặc biệt dự kiến phát sóng dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán. "Tôi chỉ còn chờ ngày xách máy quay lên đường", Ngọc Châm, công tác tại VTC16, kênh chuyên biệt về nông nghiệp, chia sẻ.
Sau khi phương án sáp nhập được công bố, tuyến đề tài bị hủy. Ngọc Châm và đồng nghiệp tập trung hoàn thành kế hoạch sản xuất đến hết năm 2024. Họ thừa nhận một tháng qua làm việc trong tâm thế bất an "không biết số phận mình ra sao".
Lúc nhận thông tin sáp nhập về VTV, nhà báo Lê Việt Khoa đã dự cảm sẽ có một sự thay đổi lớn. "Đây là chủ trương đúng, nhằm tập trung xây dựng các kênh chất lượng hơn nhưng sẽ phải hy sinh một số người", anh nói.
Điều khiến anh Khoa bất ngờ là chỉ hai tuần sau, lãnh đạo thông báo rằng VTV chỉ tiếp nhận chức năng và nhiệm vụ còn toàn bộ vấn đề về nhân sự, cơ sở vật chất, công nợ và tài sản do các đơn vị tự giải quyết.
Hơn 740 cán bộ nhân viên tại VTC rơi vào tình trạng chấp chới, bao gồm cả anh Khoa, người đã xây dựng đài từ những ngày đầu. Là một đài truyền hình tự chủ tài chính, các nhân sự chỉ ký hợp đồng lao động, đồng nghĩa họ không nằm trong diện được hỗ trợ hay bố trí công việc khi xảy ra sự thay đổi về cơ cấu tổ chức.
"Trước ngày 15/1, một đài truyền hình lớn đã nghiêm chỉnh chấp hành 'đóng sóng', nhưng cảm giác tiếc nuối và lo lắng vẫn bao trùm", anh nói. "Chúng tôi không biết tương lai sẽ ra sao, liệu nghề nghiệp bao nhiêu năm gắn bó có còn được tiếp tục?".
Dấu hỏi này càng nan giải, khi anh Khoa đã ở độ tuổi 50. Rất khó để tìm một cơ quan nào sẵn sàng ký hợp đồng, chưa nói đến cơ hội vào biên chế.
Nhà báo Lê Việt Khoa, người có 20 năm công tác tại VTC. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đây cũng là tâm trạng của anh Trần Văn Đức, 46 tuổi, một phóng viên kiêm biên tập viên của một kênh truyền hình ra đời từ 2015.
"Hai chục năm làm nghề báo, trải qua vô số sự kiện thời sự chấn động, nhưng đêm nay sự kiện đó xảy đến với chính tôi và đồng nghiệp", anh nói về thời điểm kênh dừng phát sóng lúc 0h ngày 15/1.
Vợ chồng anh Đức có hai con, trong đó có một người con phải chăm sóc đặc biệt, tốn 20 triệu đồng mỗi tháng. Cả gia đình phải dè sẻn chi tiêu, bố mẹ anh ở quê ngoài 80 tuổi vẫn phải hỗ trợ thêm.
Mất việc ở tuổi U50, anh lo khó cạnh tranh được với người trẻ, trong bối cảnh nhiều cơ quan báo chí đang cắt giảm nhân sự và đóng cửa. Nếu may mắn tìm được cơ hội mới, anh cũng lo khó có thể chuyển ngang biên chế.
"Làm sao người một vợ hai con như tôi có thể bắt đầu với thu nhập như một sinh viên mới ra trường?", anh bày tỏ.
Ngọc Châm ghi hình chương trình Tết Giáp Thìn 2024 "Quê hương tôi này" tại thác Bản Giốc, tỉnh Cao Bằng trong tiết trời 8 độ C. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ngày 1/1, kênh truyền hình VOV đã dừng phát sóng sau 17 năm hoạt động. Khoảng 70 cán bộ viên chức thuộc biên chế được sắp xếp công việc khác, khoảng 50 người còn lại phải "tự bơi".
Phóng viên, biên tập viên Hải Linh, người có thâm niên 13 năm công tác, nhận ra mình thuộc nhóm thứ hai. "Ra đi, tôi nuối tiếc công việc không chỉ để kiếm sống, còn là đam mê", anh nói. "Nay tôi tìm được việc tại một công ty truyền thông, trước mắt phải làm để duy trì cuộc sống gia đình chứ chưa có đam mê".
Trong 20 năm công tác tại VTC, nhà báo Lê Việt Khoa đã đi qua hầu hết các kênh và đảm nhận nhiều vị trí, tham gia đưa tin tại những sự kiện lớn nhất của đất nước. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm người bình thường không dám làm hoặc không dám xuất hiện, anh vẫn xung phong, xem đó là niềm vinh dự.
Trong những ngày cuối cùng, anh tham gia ghi hình và viết lời tạm biệt của kênh gửi tới khán giả. Giây phút ngắn ngủi ấy khiến anh không khỏi nghẹn ngào.
"Ngày hôm nay, anh em nhắn nhau là 'ở nhà nghĩ ra bao đề tài hay' rồi tự trách mình sao trước đây không nghĩ ra để làm, giờ thì không còn cơ hội làm nữa", anh kể.
May mắn hơn số đông đồng nghiệp, Ngọc Châm đã được nhận về báo điện tử VTCnews. Dù vậy cô cho biết năm nay người VTC mất Tết bởi không ai còn tinh thần đón Tết nữa.
"Là những người làm công tác tuyên truyền, chúng tôi hiểu rõ chủ trương, đường lối, song vẫn không tránh được hụt hẫng, tiếc nuối rất nhiều, cũng như băn khoăn về khoản hỗ trợ ra sao", cô nói.
Bản tin cuối cùng của Đài truyền hình VTCLời chia tay của Đài truyền hình VTC.
Phan Dương - Phạm Nga