Vì sao trẻ sơ sinh hay nấc cụt?

03/04/2025
|
0 lượt xem
Bệnh Trẻ Em Các Bệnh Nhi - Sơ Sinh Sức Khỏe
Vì sao trẻ sơ sinh hay nấc cụt?

Nếu cơ hoành và cơ liên sườn bị kích thích gây co thắt bất ngờ, đồng thời nắp thanh môn đóng lại dẫn đến nấc cụt. Thông thường nấc cụt tự khỏi trong vòng 5-10 phút mà không cần chăm sóc hay điều trị.

Bác sĩ Đỗ Phương Nga, khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nhóm hay bị nấc cụt nhất là trẻ sơ sinh. Trẻ ăn quá no hoặc quá nhanh làm dạ dày căng giãn quá mức, đột ngột gây chèn ép cơ hoành. Trẻ ngậm ti không đúng cách dễ nuốt không khí vào dạ dày kích thích co thắt cơ hoành là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Thay đổi nhiệt độ đột ngột như trẻ uống sữa lạnh, bị lạnh đột ngột do không được giữ ấm đầy đủ cũng gây nấc cụt.

Giữ ấm cho trẻ, nhất là phần cổ và ngực phòng nấc cụt. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Do cơ thể và các hệ cơ quan còn non nớt, trẻ sơ sinh không tự tìm cách đỡ nấc như người lớn nên dễ khó chịu, quấy khóc. Để hạn chế tình trạng, cha mẹ tránh để trẻ quá đói, bú quá no hoặc quá nhanh, nên nâng cao đầu, vỗ cho trẻ ợ hơi sau khi ăn.

Để phòng ngừa tình trạng này, bác sĩ Nga tư vấn nên sử dụng núm vú phù hợp, kích thước không quá lớn, giúp trẻ hạn chế nuốt quá nhiều không khí khi ăn. Giữ nhiệt độ trong phòng ổn định, thoáng đãng, không nên để trẻ bị lạnh. Quàng khăn xô mỏng hoặc yếm bảo vệ ngực và cổ trẻ. Không mở cửa quá to tránh gió lùa. Bật đèn sưởi khi tắm cho trẻ vào mùa đông để tránh nhiệt độ chênh lệch. Trẻ sơ sinh bị nấc cụt không gây hại đến sức khỏe nên cha mẹ không cần lo lắng. Phụ huynh cần hạn chế bế trẻ rung lắc khi bị nấc vì làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày.

Bác sĩ Nga lưu ý trẻ liên tục nấc cụt trong khoảng thời gian dài, kèm theo dấu hiệu như nôn trớ nhiều, bỏ bú, khó thở, quấy khóc bất thường... có thể cảnh báo bệnh hệ tiêu hóa, thần kinh. Cha mẹ nên cho trẻ đi khám sớm để tìm nguyên nhân và hướng điều trị.

Thanh Ba

Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật