Đọc bài viết về sự môn đăng hộ đối, hòa hợp về văn hóa, nhận thức trong hôn nhân, tôi thấy bố mẹ tác giả phản đối cũng có lý chứ không phải không. Tôi 35 tuổi, sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền Bắc, có truyền thống văn hóa lâu đời với rất nhiều lễ hội và phong tục. Làng tôi có nghề truyền thống nên đa phần nghỉ học sớm làm nghề, kinh tế khá. Tôi là con út trong gia đình 6 anh chị em, chỉ tôi theo con đường học, thuộc típ con ngoan trò giỏi, trường chuyên lớp chọn từ bé. Vợ tôi là người nơi khác, chúng tôi quen khi học đại học, gia cảnh bình thường nhưng rất coi trọng việc học.
Chúng tôi ra trường một năm thì cưới, sinh sống và làm việc ở Hà Nội. Tôi làm việc cho công ty nước ngoài, thường xuyên phải xa nhà, cả trong và ngoài nước, tầm hai tháng mới về nhà một lần. Thu nhập vợ chồng tương đương, vợ tôi sau khi sinh con thứ hai đã nghỉ làm công ty, tự kinh doanh riêng. Hai lần vợ sinh nở, tôi chỉ ở nhà được hai tháng, còn lại vợ tự tay chăm hai đứa, không phiền đến ông bà hai bên, cũng để tránh mâu thuẫn trong cách chăm con. Vợ nói thà vất vả chứ không muốn mâu thuẫn lại khó xử. Vợ chồng từng là bạn, rất hiểu nhau, chung quan điểm sống, dù cùng xuất thân từ quê đi lên nhưng cách sống mỗi nơi khác nhau nhiều.
Bên nhà tôi đông người, đa số không học hành gì nhiều, giữ nếp văn hóa cộng đồng, làng xã, thích giao lưu, tụ họp, coi trọng cỗ bàn, làng xóm. Vợ tôi nhà ít người, anh em họ hàng cùng lứa đều được ăn học rồi thoát ly ra ngoài, chủ yếu chỉ quan hệ đến bố mẹ và cô bác ruột là hết, không phải quan tâm nhiều đến các vấn đề khác. Gần hai năm trở lại đây, khi tôi được làm gần nhà hơn, có cơ hội quan sát nhiều hơn, thấy mệt mỏi vì rất nhiều thủ tục ở quê. Ma chay, cưới hỏi đều ăn uống rất linh đình, cưới xin nhà nào cũng trên 200 mâm. Có nhiều chú bác họ xa mời cưới, phải giới thiệu mãi tôi mới nhớ họ là ai. Có quá nhiều các loại cỗ bàn và thủ tục, nhất là dịp cuối năm và đầu năm. Cuối năm là hàng loạt các loại cỗ khao lão, mừng thọ.
Giờ tôi mới để ý quê tôi 50 tuổi phải ra đình làng báo cáo, làm cỗ khao rất to, 60-70 mâm, có nhà còn ăn to hơn, rồi tiếp đến tuổi 60, 70, 80, 90 lại tiếp tục. Thế là trước tết cứ loanh quanh họ hàng, thể nào cũng có người gần 50, 60, 70, có khi cả hai vợ chồng. Riêng cỗ cưới quê tôi rình rang, ăn hỏi có khi mấy chục mâm, cỗ cưới chính tầm 200 mâm, đó là chuyện bình thường và họ hàng khá xa vẫn mời. Có rất nhiều đám khác vẫn mời như xây nhà mới, đỗ đại học, đi bộ đội, đi nước ngoài... không phải chỉ làm cơm trong nhà mà còn mời họ hàng, con số cũng hai ba chục mâm. Những việc này bên vợ tôi gần như không có, chỉ tổ chức trong nội bộ gia đình, không mời đến họ hàng.
Quê tôi có kinh tế nhưng lại thích tự làm cỗ, vẫn có tục lệ làm giúp khi có cỗ, mọi người mời tôi vào nhóm chat trong họ mà tôi phát hoảng, 3h sáng thấy tin nhắn con cháu dâu rể tập trung qua làm giúp. Nhiều khi đám thanh niên làm cỗ xong rảnh rang chơi bài, nhậu nhẹt hết ngày rưỡi đến hai ngày. Vậy nên tiền kiếm được cũng nhiều nhưng tệ nạn xã hội không kém. Thú thật là theo dõi lịch cỗ khao thọ nguyên cái tết vừa rồi tôi còn phát hoảng chứ nói gì đến đi làm giúp. Tết đến, đàn ông rảnh rang, không làm gì, chỉ ngồi chơi bài cả ngày, phụ nữ nấu cơm nước phục vụ cánh đàn ông.
Tiếp đến là đầu năm, quê tôi làng nào cũng có lễ hội, nhưng lễ hội ở làng nghề như chỗ tôi rất to, huy động lực lượng lớn nhân lực lẫn đóng góp từ các dòng họ, rồi các lứa tuổi phải cắt cử người và phân công công việc. Đi kèm là vợ con sẽ được phân công làm gì trong những ngày ấy, phụ nữ còn mệt hơn đàn ông vì cánh đàn ông có thể nhậu nhẹt, tiếp khách, còn phụ nữ phải lo hết việc hậu cần, nấu nướng, dọn dẹp. Tôi nói chuyện với bố mẹ, ông bà bảo lệ làng trước nay vẫn thế, chẳng qua trước tôi có con nhỏ, lại đi xa liên tục nên không gọi về, giờ về gần và con cái cũng lớn rồi phải thu xếp thời gian để tham gia các công việc của họ mạc, làng xóm, không sẽ dễ bị chê cười mất gốc. Cỗ bàn cũng vậy, lúc mới cưới, con nhỏ, các cháu cũng còn nhỏ, chưa đến tuổi cưới xin, ít công việc hơn.
Bố mẹ tôi không quá khó tính nhưng lúc nào cũng tư tưởng sợ họ hàng, làng xóm chê cười. Thêm nữa quê tôi mọi người rất mê tín, phú quý sinh lễ nghĩa, kinh tế tốt nhưng nhận thức của người dân bao đời nay không thay đổi. Các lễ dâng sao giải hạn, cúng kiếng, xem bói... nhiều vô kể, càng ngày lại càng to, ai có việc gì cũng làm lễ giải hạn. Điều này trái ngược hoàn toàn với suy nghĩ của những người theo khoa học như vợ chồng tôi. Chúng tôi nói mãi ông bà không thay đổi, còn coi chúng tôi là học nhiều, lắm lý thuyết nên thành ra sau này việc gì không liên quan đến vợ chồng tôi là tôi mặc kệ, ông bà muốn làm gì thì làm.
Thú thật nơi tôi sinh ra mà tôi còn thấy mệt mỏi, huống chi nàng dâu ở nơi khác đến. Còn với những người anh chị, họ hàng tôi sống ở đó bao năm, lại thấy đó là niềm vui, tình làng nghĩa xóm, truyền thống. Các mẹ, các chị cũng quen nếp sống phục vụ chồng con bao lâu nay như vậy rồi. Vậy nên nếu không cùng suy nghĩ, nhận thức văn hóa, đừng nói đến vợ chồng mà họ hàng còn thấy khó nói chuyện.
Vợ tôi là người hiểu chuyện, biết điều nhưng cũng rất cứng rắn và có quan điểm riêng. Cô ấy nói rất ngưỡng mộ các bà, các mẹ ở quê nhưng bảo cô ấy phải làm giống thế thì không thể. Chúng tôi thống nhất tự đặt ra ranh giới, chỉ tập trung cho các mối quan hệ chất lượng, thân thiết trong gia đình ruột thịt thôi, không để cho các mối quan hệ xung quanh ảnh hưởng đến hạnh phúc của gia đình nhỏ. Vợ bảo may mắn là tôi cũng đồng quan điểm trong mọi chuyện với cô ấy, tôi cũng không bị ảnh hưởng bởi gia đình nhiều, nếu không chắc chúng tôi cũng khó sống hạnh phúc. Sau này, tôi nghĩ con gái mình cũng cần tìm hiểu kỹ xem nếp sống, phong tục của gia đình chồng ra sao, để tránh rủi ro nhất có thể.
Vũ Phong